Giám đốc điều hành TTY Biopharm vạch ra các chiến lược đẩy mạnh nghiên cứu mRNA của Đài Loan
Xác định nhu cầu, thiết lập quan hệ đối tác và hợp tác với chính phủ
ĐÀI BẮC, 21/08/2023 /PRNewswire/ — Trước nhận thức toàn cầu do đại dịch coronavirus mang lại về tiềm năng của các loại thuốc ứng dụng mRNA và hạt nano lipid (LNP) trong việc tăng cường khả năng miễn dịch của con người, các nhà lãnh đạo trong ngành đã công nhận khả năng của công nghệ LNP giúp cải thiện việc phân phối thuốc dựa trên công nghệ mRNA. Sự tiến bộ trong việc nâng cao hiệu quả của các phương pháp điều trị và phòng ngừa đã mở ra một công trình tiên phong mới trong lĩnh vực này, định vị LNP trở thành một tác nhân trị liệu mới mang tính đột phá.
CEO of TTY Biopharm (4105-TW) Sara Hou with the 5th Tang Prize laureates in Biopharmaceutical Science – Katalin Karikó and Drew Weissman
Tận dụng những cơ hội mới nổi này, Tổ chức Giải thưởng Tang Prize đã tổ chức Diễn đàn Giải thưởng Tang Prize về Công nghệ Sinh học Đài Loan nhằm khám phá bối cảnh phát triển của công nghệ mRNA. Diễn đàn quy tụ dàn khách mời đình đám bao gồm bà Katalin Karikó, ông Drew Weissman và ông Pieter Cullis – người đoạt Giải thưởng Tang lần thứ 5 về Khoa học Dược phẩm Sinh học, ông Andrew H.-J. Wang – Nghiên cứu viên xuất sắc tại Viện Hóa học Sinh học tại Academia Sinica (AS), bà Yi-Juang Chern – Thứ trưởng Hội đồng Khoa học và Công nghệ Quốc gia (NSTC) và bà Sara Hou – Giám đốc điều hành của TTY Biopharm. Bà Hou, một người có tiếng nói trong ngành, đã nêu rõ ba lĩnh vực trọng yếu: giải quyết các nhu cầu y tế chưa được đáp ứng, thiết lập quan hệ đối tác chiến lược và đảm bảo sự hỗ trợ từ chính phủ.
Giáo sư Wang đã hoạch định chiến lược cho AS, tiết lộ việc thành lập một đội ngũ nghiên cứu chuyên sâu và xây dựng một cơ sở thí điểm GMP với mục tiêu tiên phong trong việc tạo ra các công nghệ mới. Với với kinh nghiệm dày dặn của mình trong việc điều phối các nhà máy sản xuất theo tiêu chuẩn GMP ở nhiều khu vực khác nhau, ông Weissman đã cung cấp những hiểu biết quý giá và đóng vai trò là nhà tư vấn cho sáng kiến này.
TTY Biopharm, công ty hàng đầu về công nghệ liposome, đã tham gia diễn đàn này. Để thúc đẩy phát triển thuốc dựa trên công nghệ mRNA, bà Hou nhấn mạnh tính cấp thiết của việc xác định các nhu cầu điều trị lâm sàng chưa được đáp ứng, bao gồm cả những nhu cầu liên quan đến điều trị ung thư và các bệnh hiếm gặp. Bên cạnh đó, bà cũng đề cao tầm quan trọng của việc đẩy mạnh hợp tác chiến lược đa bên đặc biệt là trong môi trường thị trường ngày càng cạnh tranh đòi hỏi thời gian đưa sản phẩm ra thị trường ngắn hơn. Cuối cùng, bà nhấn mạnh rằng chính phủ có vai trò quan trọng giúp thống nhất và tạo điều kiện thuận lợi cho các nguồn lực, thiết lập quy định phù hợp và cung cấp những nền tảng cần thiết.
Trong bài phát biểu bế mạc của mình, bà Hou đã đánh giá cao phương pháp tích hợp các kiến thức trong ngành, sự hỗ trợ từ chính phủ và cơ sở học thuật. Bằng cách này, Đài Loan có khả năng tạo ra những đột phá trong nghiên cứu và phát triển (R&D) đồng thời giới thiệu ra thị trường các loại thuốc cải tiến mới, không chỉ thay đổi kết quả điều trị của bệnh nhân, mà còn nâng cao vị thế của mình trong lĩnh vực công nghệ sinh học toàn cầu.